Diễn biến Trận_Hà_Nội_1946

Tối hậu thư và lời thề quyết tử

Bản thảo Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát trên các loa phóng thanh Hà Nội đêm 19 tháng 12 năm 1946.Tiếng đại bác vọng từ Pháo đài Láng được ngầm chuẩn bị làm khẩu lệnh kháng chiến.

Trưa 19 tháng 12, Ban Thường vụ Trung ương của chính phủ Việt Minh điện báo cho các chiến khu và tỉnh ủy, thành ủy: "Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư và đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng".

Chiều 19 tháng 12 năm 1946, Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh chiến đấu. Cơ quan cơ yếu mật mã Bộ Tổng tham mưu truyền đi bản mật lệnh: "Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21-12. Hàng mang mã hiệu A cộng hai, B trừ hai. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ". Theo đó, quy ước "chuyến hàng sẽ đến" có nghĩa là tổng giao chiến bắt đầu. A là giờ cộng thêm hai, B là ngày trừ đi hai. Có nghĩa là: "Cuộc tổng giao chiến bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12". Ngoài ra để bảo đảm các nơi có thể kịp thời nhận lệnh, còn quy ước khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát câu: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe lời Hồ Chủ tịch". Đây là tín hiệu tổng giao chiến, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đúng thời khắc 20 giờ ngày 19 tháng 12.

20 giờ 03 phút, ngày 19 tháng 12 năm 1946, điện trong toàn thành phố phụt tắt, pháo đài Láng nổ phát súng lệnh tổng công kích, chính thức báo hiệu chiến sự. Tới 20 giờ 30, chính phủ Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ban lệnh chiến đấu:

Tổ quốc lâm nguy!
Giờ chiến đấu đã đến!
Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung-Nam-Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.
Hi sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng!
Tiêu diệt bọn thực dân Pháp!
Quyết chiến!"

Các chướng ngại vật, hầm hào được dựng nên trên các phố phường nội ô Hà Nội. Những đội cảm tử quân được thành lập, sẵn sàng dùng bom ba càng để kích nổ tiêu diệt xe tăng Pháp. Nam nữ tự vệ khắp 36 phố phường họp cùng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, Tự vệ quân... đứng lên đánh Pháp theo hiệu triệu kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân Việt Minh với vũ khí thô sơ và ít ỏi chống lại đạo quân thiện chiến Pháp với vũ khí tối tân đã diễn ra ác liệt trong 60 ngày đêm.

Lúc đó, toàn mặt trận Hà Nội, tính cả tự vệ thì Việt Minh có khoảng hơn 2000 cây súng với ít đạn. Mỗi tiểu đoàn Việt Minh chỉ có 2 đến 3 khẩu trung liên, từ 2 đến 3 khẩu tiểu liêncarbin, còn lại toàn là súng trường mà cũng không đủ, đạn thì thiếu và "thối" nhiều, lựu đạn cũng ít, bom thì một số không nổ. Mỗi tiểu đội chỉ có 3 đến 4 khẩu súng trường, còn hầu hết là mã tấu. Trong khi đó, quân Pháp được trang bị hiện đại, có đầy đủ đại bác, xe thiết giáp, và đã chiếm sẵn nhiều vị trí quan trọng như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga, cầu Long Biên...

Việt Nam dùng chiến thuật chiến đấu du kích trong thành phố, dùng các lực lượng nhỏ lẻ để cầm chân quân địch đông và mạnh hơn nhiều. Trong chiến đấu, binh sĩ Việt Minh đã sáng tạo, dùng chai xăng krept để đánh xe tăng, dùng chai sỏi, chai vôi bột để đánh bộ binh, dùng pháo đùng, pháo tép để nghi binh. Các tường nhà được đục lỗ thông nhau để tiện cho việc liên lạc và phục kích, cũng để quân Pháp rối trí, không biết đối phương ở đâu.

Tập tin:Hanoi194603.jpgLễ tuyên thệ của vệ quốc đoàn và tự vệ thành Hoàng Diệu. Quyết tử bảo vệ Hà Nội, ngày 16/12/1946

Do nhận được thông tin tình báo chính xác, nên phía Pháp không bị bất ngờ khi cuộc tấn công nổ ra[10], sau đó quân Pháp đã phản công một cách quyết liệt. Quân Pháp đóng trong thành được tung ra để ứng cứu các vị trí bị đánh, bị chiếm. Pháp tấn công ga Hà Nội, cầu Long Biên, nhà Bưu điện, Bắc Bộ phủ... Tổng chỉ huy và doanh trại Vệ quốc đoàn ở Hàng Bài, Sở chỉ huy tự vệ ở nhà Đấu Xảo... nhưng ở đâu quân Pháp cũng gặp phải sức chống cự mãnh liệt của lực lượng Việt Minh. Tướng Valluy muốn dùng không quân tiêu diệt các ổ đề kháng, nhưng tướng Morlière chọn cách tiến quân chiếm lần lượt từng khu phố vì như vậy sẽ không phải tàn phá hoàn toàn thành phố[2].

Theo quy luật, sáng sớm và ban ngày: quân Pháp đánh phá, xẩm tối và đêm khuya: bộ đội Việt Minh chống trả. Quân Pháp bị rơi vào thế bất lợi, khi Việt Minh ở Liên khu I nằm trong vòng vây đánh ra, còn Liên khu II và III tạo gọng kìm từ ngoài vòng vây đánh vào. Nhiều trận đánh lớn diễn ra rất ác liệt, như trận Bắc Bộ phủ của Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn, trận Hàng Đậu, Trường Ke, trận nhà Hoa Nam, trận Đồng Xuân của Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân, trận Hàng Thiếc của Tiểu đoàn 102, trận nhà Sauvage của Tiểu đoàn 103. Tại nhiều đường phố, Việt Minh và quân Pháp giành nhau từng bờ tường góc phố, đóng xen kẽ chỉ cách nhau 5 đến 3 nhà, hoặc bộ đội ở dãy số lẻ, quân Pháp ở số chẵn như ở Hàng Giấy, Hàng Khoai...

Chiến sự Liên khu I

Tự vệ phố Hàng Đậu bày chướng ngại vật chặn xe tăng Pháp.Nhân dân Hà Nội quẳng hoành phi, câu đối từ trong nhà ra ngoài đường phố để làm chướng ngại vật chặn quân Pháp. Hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Việt Minh đánh Hàng Da, phá Nhà in, đánh cháy kho xăng phía tây bắc. Quân Pháp cho xe bọc thép và bộ binh đến đánh đơn vị quân Việt Minh đóng ở trụ sở liên lạc Việt-Pháp. Lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu đến người cuối cùng ở nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ, đầu cầu Long Biên. Giao tranh quyết liệt cũng diễn ra ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính phủ (nay là Nhà khách đường Ngô Quyền), Bưu điện Bờ Hồ, đầu phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), ga Hàng Cỏ, Đồn Thủy, Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia...

Ngày 20 tháng 12 năm 1946, khu Đồng Xuân báo chiếm được ga đầu cầu nhưng chưa diệt được các xe thiết giáp. Khu Đông Dinh báo lấy được Nhà nước đá. Tới 9 giờ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Triệu tiểu đoàn 101 về, báo quân Pháp đã vào Bắc Bộ phủ. Một quyết tử quân về báo bộ đội vẫn cố thủ Bắc Bộ phủ. Quân Pháp mới chỉ vào được Dinh Chủ tịch, còn Bộ Nội vụ và Bưu điện vẫn cố thủ, mặc dầu quân Pháp bao vây chặt bằng hơn 10 thiết giáp và bắn đại bác suốt đêm trước. Tới 19 giờ, tại Bắc Bộ phủ, quyết tử quân rút ra được 2/3, 20 người bị thiệt mạng, trong đó có Chính trị viên đại đội Lê Gia Đỉnh, nhưng đã phá được một xe tăng và 2 xe xuống hố và phá một xe jeep, đốt 2 jeep, đốt được hết giấy tờ và lương thực... Quân Pháp thiệt hại nhiều, thương vong hơn 100 người. Lực lượng tự vệ rút về phố Hàng Bè. Thổ phỉ ở An Thành, đường Yên Phụ bắn ra làm nhiều người bị trúng đạn. Phi cơ thám thính bay lượn, được thổ phỉ nổ súng báo hiệu chỉ điểm. Ở Quốc gia ấn thư cục, một tiểu đội Việt Minh bị cô lập, phải ở lại chiến đấu đến cùng. Lực lượng ở nhà máy đèn cũng rút hết về. Lực lượng Việt Minh ở Thị chính kho bạc rút từ sáng, 1 trung đội lên tiếp viện cầu Long Biên. Tự vệ ở Bưu điện đánh đến người cuối cùng. Tại trụ sở Bộ Quốc phòng, trận chiến quyết liệt kéo dài tới ngày 21 tháng 12 năm 1946. Ở các khu khác, có tin bộ đội chiếm được trường Bưởi... phá được hai thiết giáp ở phố Hàng Đậu và 11 lính Pháp chết, một xuồng máy bị đánh đắm, 2 lính Pháp chết. Tới 17 giờ, 2 phi cơ Spitfire của Pháp xuất hiện trên bầu trời thành phố quét liên thanh, 2 xuồng máy đổ bộ ở Bến Than. Quân Pháp từ xuồng lên tưới xăng đốt. Tới 18 giờ, phố Phùng Hưng cháy. Kinh nghiệm của chiến sĩ cho thấy công tác phá hoại không đầy đủ, thiếu thốn đủ thứ, nạn thổ phỉ đáng ngại hơn lính Pháp.

Ngày 21 tháng 12 năm 1946, 9 giờ, Vệ quốc đoàn đánh lấy lại nhà máy đèn Bờ Hồ và tòa Thị chính. Bộ đội vẫn giữ được đằng sau Bắc Bộ phủ. Quân Pháp tấn công Thị chính dữ dội bằng trọng pháo và súng từ Nhà thờ Lớn bắn ra, nhưng bộ đội chống cự lại, quân Pháp không vào nổi...

  • 12 giờ. Một trung đội gồm tự vệ, Vệ quốc đoàn do Vũ YênHoàng Phương được cử đi diệt các toán thổ phỉ. Báo Quyết Chiến ra, được dân chúng hết sức hoan nghênh, bộ đội cũng chiếm lại phố Khúc Hạo ở chợ Đồng Xuân. Phi cơ Spitfire của Pháp lại đến nã liên thanh trong suốt nửa giờ, bộ đội bắn trả lại. Pháp tấn công Thị chính dữ dội bằng trọng pháo, súng từ Nhà thờ Lớn bắn ra. Quân Pháp không vào nổi.
  • 14 giờ. Ở Hà Trung có 3 chiến xa của Pháp đến, tự vệ và công binh dùng xẻng cuốc và lựu đạn diệt được 15 quân Pháp, quân Pháp bắn ra Hàng Phèn.
  • 16 giờ. Quân Pháp đổ bộ một ca nô ở bờ sông Nhà Dầu. Thổ phỉ mặc giả Vệ quốc đoàn vào, bộ đội bắn ra.
  • 18 giờ. Hai tiểu đội bộ đội đi phá vây đầu cầu Long Biên.
  • 19 giờ. Nhận được mệnh lệnh đi lấy gạo tiếp tế có Vệ quốc đoàn đi hộ vệ. Pháp đốt xung quanh thành phố đỏ rực sáng như ban ngày, khói lửa ngút trời.
  • 21 giờ. Một tiểu đội quân Việt Minh xung phong đi tấn công đầu cầu Long Biên.

Từ 21 tháng 12 năm 1946, quân Pháp vây bốn mặt Liên khu I (khu trung tâm của Hà Nội). Với chủ trương không phá vây rút ra ngoài, bộ đội trụ lại chờ quân Pháp đến để tiêu diệt. Pháp một mặt khép vòng vây, một mặt đánh lấn ra xung quanh, cắt đứt viện trợ từ bên ngoài hòng cô lập dân quân Việt Minh ở các phố Đồng Xuân, Đông Thành, Hoàn Kiếm, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hà, Long Biên và vùng bãi giữa Sông Hồng... Tiếp đó, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc tấn công vào vành đai thành phố từ các cửa ô hình thành thế gọng kìm từ ô Yên Phụ nối với Ngọc Hà, Kim Mã, Thụy Khuê, ngã tư Kim Liên, Ô Cầu Dền... Các trận giao tranh rất dữ dội ở phố Hàng Da (ngày 22/12), phố Lò Lợn, chợ Hôm (ngày 23/12), phố Hàng Bông (24/12), đường Đại Cồ Việt (ngày 25/12), cửa ô Cầu Dền (26/12)...

Phái đoàn ngoại giao Việt Minh và các nước Anh, Mỹ, Tàu điều đình để kiều dân được an toàn rời vùng chiến.

Ngày 6 tháng 1 năm 1947, Trung đoàn Liên khu 1 thành lập, được Hội nghị quân sự toàn quốc tặng trung đoàn danh hiệu "Trung đoàn Thủ Đô", và phổ biến trung đoàn chỉ giữ lại 500 người, còn đưa hết ra vùng tự do để chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thì nhiều người đã xung phong ở lại tiếp tục chiến đấu. Nhiều người trong danh sách phải rút ra, đã làm thủ tục "chào tạm biệt", nhưng rồi lẻn ở lại. Khi trung đoàn kiểm tra người ở lại, thì số quân là 1.200, chỉ chuyển ra vùng tự do khoảng 2.000 người. Cùng ngày đại đội 2 và đại đội 4 của tiểu đoàn 56[11] cùng các chiến sĩ tự vệ cứu thương ở Giảng Võ - Ô Chợ Dừa, đã đánh tan cuộc tiến công với quy mô lớn của quân Pháp trên hai hướng Giảng Võ và Ô Chợ Dừa. Tiểu đoàn đã tiêu diệt một đại đội Pháp, phá hủy một xe tăng, một xe ủi đất và tiêu diệt 30 lính Pháp, nhưng đại đội trưởng Vũ Công Định cũng hy sinh.

Kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp vào nội thành và các cửa ô thành phố đã không đạt dự trù, lúc này họ cũng phải chờ quân chi viện từ Pháp sang. Giữa lúc đó, lãnh sự Trung Hoa đề nghị Pháp và Việt Minh tạm ngừng bắn để Hoa kiều rút khỏi thành phố. Lúc đó, các ông Nguyễn Văn Trân, Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Hoàng Hữu Nam - Thứ trưởng Bộ nội vụ đã hội đàm với Tổng lãnh sự Trung Hoa Dân quốc, Tổng lãnh sự Anh, Tổng lãnh sự Mỹ tại một địa điểm gần ngã tư Ô Chợ Dừa. Hai bên bàn về các vấn đề cụ thể và đi đến thoả thuận là ngừng bắn vào ngày 15 tháng 1 năm 1947 để cho Hoa kiều rút lui ra ngoài. Nhân cơ hội này Việt Minh đã đưa một số cán bộ, lực lượng quân sự và nhân dân chưa kịp tản cư rút ra hậu phương. Nhân dân và hàng trăm người thuộc lực lượng chiến đấu của liên khu I đã hòa lẫn vào dòng người Hoa tản cư công khai để bảo toàn lực lượng theo kế hoạch đã định.

Từ 6 tháng 2 năm 1947, Pháp mở cuộc tổng công kích vào Liên khu I. Quân Pháp đánh nhà Sauvage, Trường Ke, phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ, Hàng Đường, Hàng Chiếu, Đồng Xuân. Pháp cho máy bay ném bom ác liệt các phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây vì nghi có trụ sở chỉ huy của Liên khu I. Quân Việt Minh ở Liên khu I bị vây ép từ bốn phía. Vệ Quốc quân giành giật với quân Pháp từng con đường, ngôi nhà, góc phố. Nhiều trận giáp lá cà đã diễn ra giữa quân hai bên.

Ngày 8-2-1947, từ Cửa Đông, quân Pháp chia thành 2 mũi, có xe tăng dẫn đầu. Một mũi đánh vào phố Hàng Nón; một mũi đánh vào phố Hàng Bút. Tiểu đoàn 102, Trung đội phố Hàng Thiếc đã sử dụng các chiến lũy, nhà cửa, cơ động linh hoạt, chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy các đợt tiến công. 2 giờ chiều ngày 8/2, Pháp chiếm được mấy căn nhà dãy hàng số chẵn ở phố Hàng Thiếc, rồi dùng xăng đốt dãy nhà số lẻ. Liên tiếp những ngày sau giành đi giành lại, ban ngày Pháp bắn pháo cối, dùng xăng và súng phun lửa thiêu các ụ chiến đấu. Tối đến, quân Việt Minh lại đột nhập sang dãy số chẵn đốt phá, ném lựu đạn tiêu diệt lính Pháp. Sau 3 ngày chiến đấu, quân Pháp rút lui. Trận địa tuyến Hàng Thiếc được giữ vững cho đến đêm lui quân cuối cùng ngày 17-2-1947.

Ngày 14 tháng 2 năm 1947, Pháp giảm cường độ bắn phá để chờ viện binh, chuẩn bị mở cuộc tấn công lớn nhất vào Liên khu I, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến sự. Ngày 15 tháng 2 năm 1947, các lực lượng chiến đấu tại Liên khu I được lệnh rút khỏi Hà Nội ra ngoài hậu phương chuẩn bị những bước mới cho cuộc kháng chiến lâu dài với quân Pháp.

Bao vây chợ Đồng Xuân

Đoàn vệ út chụp hình lưu niệm trước giờ xuất kích.Một toán tự vệ tham gia chặn lính mũ đỏ.Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác cùng hai em vệ út Phạm Đình Luận (9 tuổi) và Trang Công Lũy (10 tuổi) trong những ngày sống chết ở Liên khu I.

Theo hồi ức của Trung tướng Vương Thừa Vũ, chỉ huy mặt trận Hà Nội, thì quân Pháp tập trung hơn 400 quân và hàng chục xe cơ giới các loại, bao vây tiến hành đánh chợ Đồng Xuân để đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy Liên khu I. Trong ba ngày 11-12-13 tháng 2 năm 1947, quân Pháp điều phi cơ liên tiếp oanh tạc chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây... Quân Pháp liên tiếp dội bom, nã pháo vào toàn khu Đồng Xuân, bắn nát chợ. Quân Pháp sử dụng hỏa lực đánh theo bốn hướng. Hướng tấn công chủ yếu: dùng xe tăng dẫn bộ binh đánh vào sân bóng sau chợ, rồi phát triển sang chỗ trú quân của Ban chỉ huy tiểu đoàn 101. Hướng thứ yếu: dùng xe tăng dẫn bộ binh theo phố Hàng Giấy đánh chiếm phố Hàng Gạo trước cửa chợ. Hướng hỗ trợ: đánh kiềm chế Vệ quốc đoàn ở phố Trần Nhật Duật, nếu tiến triển tốt sẽ chiếm Ô Quan Chưởng. Hướng nghi binh: sử dụng đơn vị nhỏ cuối phố Hàng Mã, Hàng Cót, buộc Vệ quốc đoàn tại đó phải chốt nguyên tại chỗ đối phó.

Đến ngày 14 tháng 2 năm 1947, tiểu đoàn quyết tử 101 Đồng Xuân thuộc trung đoàn Thủ Đô sau 57 ngày đêm chiến đấu giữ liên khu 1, quân số chỉ còn 130 người nhưng vẫn quyết tâm đánh lại quân Pháp, giữ vững các vị trí chiến đấu. Mờ sáng 14 tháng 2, phi cơ Pháp tiếp tục oanh tạc chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Pháo binh Pháp dồn dập giội bom đạn vào sở chỉ huy tiểu đoàn, Tiểu đoàn phó Nguyễn Hùng, Bí thư khu bộ Việt Minh Ngô Lê Động chết ngay tại chỗ. Chính trị ủy viên kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đồng Xuân Đỗ Tần và Chính trị viên Lê Thản bị thương nhưng vẫn bám trụ chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng Mộng Hùng theo kế hoạch ra chốt Ô Quan Chưởng.

Quân Pháp bắn phá hơn 2 tiếng vào toàn khu và chợ. Gần 8 giờ sáng, quân Pháp tấn công bốn hướng cùng một lúc. Quân Pháp dùng đại bác, đại liên, trung liên, súng cối bắn dọn đường, sau đó đưa xe tăng và bộ binh tràn vào nhằm cắt đứt liên lạc giữa các vị trí với nhau và giữa tiểu đoàn với các chốt phòng thủ với hy vọng tiêu diệt gọn tiểu đoàn 101 Đồng Xuân, rồi thọc sâu vào chỉ huy sở trung đoàn và tiến tới làm chủ Hà Nội. Với tinh thần quyết tử, toàn bộ lực lượng của tiểu đoàn 101 đánh trả rất quyết liệt, buộc lính Pháp cứ vào được chợ lại phải rút ra. Khi xe tăng Pháp tiến được vào chợ, quân cảm tử từ các quầy hàng, lừa cho xe tăng đi qua, bộ binh vừa tới, thì xông ra đánh giáp lá cà. Cuộc chiến trong chợ diễn ra với những cuộc giao tranh kịch liệt. Quân Pháp phải đánh ba đợt, đến đầu giờ chiều mới chiếm được chợ Đồng Xuân.

Khoảng 16 giờ, xe tăng Pháp đến án ngữ đầu ngã tư Nguyễn Thiện Thuật - Hàng Chiếu (trước nhà cầm đồ Vạn Bảo) và ngã tư Hàng Đường - Hàng Mã. 16 giờ chiều 14 tháng 2 năm 1947, xe tăng Pháp chỉ còn cách chỉ huy sở tiểu đoàn 101 chiều ngang phố Hàng Chiếu. Pháp bên dãy số chẵn, bộ đội bên số lẻ. Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận định: quân Pháp chiến đấu cả ngày, tinh thần mệt mỏi, chưa bám vững trận địa không thuộc. Bộ đội tuy có khó khăn về đạn dược, nhưng mới được trung đoàn chi viện 20 người và súng đạn, tinh thần chiến đấu càng đánh càng ngoan cường, dạn dày kinh nghiệm. Y tá trưởng Vũ Văn Thuận hết lòng cứu chữa thương binh nên nhiều người vẫn xin ở lại chiến đấu giữ trận địa. Tiểu đoàn hạ quyết tâm: lập lực lượng phản kích ngay trong đêm. Đêm ấy, quân Việt Minh xuất phát lúc 22 giờ. Hai trung đội do Phạm Gia Ban và Nguyễn Duân chỉ huy, đủ vũ khí và nhiều chai xăng, lựu đạn buộc quanh mình, lợi dụng đêm tối tiến vào nhà địch trú quân. Các chiến sĩ do thông thuộc đường, ngõ, đồng loạt nổ súng, quẳng lựu đạn làm lính Pháp hoảng hốt, kêu thét gọi cấp cứu, rồi bỏ chạy tán loạn. Bộ đội đuổi theo sát lính Pháp. Bị tấn công bất ngờ, lại không dựa được vào xe tăng nên bị cô lập, bộ binh Pháp phải tạm lui. Đến gần 1 giờ sáng, quân Pháp bị đẩy hẳn khỏi phố Hàng Chiếu, Hàng Gạo, chợ Đồng Xuân. Toàn trận địa trở lại nguyên vị trí ban đầu. Kết quả: 3 xe bọc thép Pháp bị phá hủy. Bên Việt Minh cũng bị tổn thất với 15 người chết, 19 người bị thương, nhưng đã giữ vững được vị trí, làm hành lang an toàn cho cuộc rút lui đêm 17 tháng 2 năm 1947.

Đêm triệt thoái Hà Nội

Sau 2 tháng, quân Việt Nam có hai vấn đề rất nghiêm trọng là dự trữ đạn dược còn rất ít và số lượng lương thực còn lại chỉ ăn được vài ngày. Để bảo toàn lực lượng, bảo đảm phục vụ kháng chiến lâu dài, đêm 17 tháng 2 năm 1947, trung đoàn Thủ đô rút quân khỏi Hà Nội.

Được trung đoàn phân công, tiểu đoàn 101 Đồng Xuân đi đầu theo đường gầm cầu Long Biên, nếu gặp địch thì đánh mở đường máu để trung đoàn rút ra. Nhưng hôm đó mưa phùn, giá rét, đêm tối như mực, lính Pháp gác trên cầu co cụm lại, áo ca pốt trùm kín nên không hay biết cả một đoàn quân hơn 1.000 người đang hành quân dưới gầm cầu, dưới mũi súng của họ. Lực lượng của Trung đoàn Thủ đô chia thành từng đơn vị nhỏ cùng nhân dân Liên khu phố I lặng lẽ đi dưới gầm cầu Long Biên, rẽ nước vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây an toàn.

Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

— Chính Hữu, Ngày về

Sáng hôm sau, ngày 18 tháng 2 năm 1947, lính Pháp phát hiện, đuổi theo, nhưng bộ đội đã vượt sông Hồng về làng Thượng Hội thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây. Riêng Đội tự vệ Hồng Hà gồm những người dân lao động ngoài bãi sông Hồng đã chiến đấu ròng rã 60 ngày đêm, bảo vệ và nối liền con đường tiếp tế cho dân quân Liên khu I đã có thương vong. Đó là đảng viên Nguyễn Ngọc Nại, Tiểu đội trưởng, và 7 đồng đội khác của anh. Sáng hôm đó, họ đã trụ vững ở bãi giữa, chiến đấu quyết liệt với lính Pháp để thu hút hỏa lực về phía mình, bảo vệ an toàn cho cuộc rút lui chiến lược của Trung đoàn Thủ đô và quân dân Hà Nội. Pháp trả thù kéo quân đánh vào xã Tứ Tổng (nay là hai phường Ngọc ThụyTứ Liên), là xã đã dùng thuyền đưa trung đoàn vượt sông Hồng, đốt cháy gần 30 nóc nhà, giết 27 thanh niên và chọc thủng gần 40 con thuyền. Hằng năm, người dân ở đây vẫn lấy ngày 29 tháng 1 âm lịch làm ngày giỗ trận.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Hà_Nội_1946 http://thuykhue.free.fr/stt/n/nht-nhatky.html http://www.quansuvn.net/index.php?topic=2975.0 http://www.quansuvn.net/index.php?topic=465.0 http://www.quansuvn.net/index.php?topic=6391.0 http://dantri.com.vn/van-hoa/lien-hoan-san-khau-th... http://www.hanoimoi.com.vn/vn/18/111435/ http://www.hanoimoi.com.vn/vn/18/111606/ http://www.hanoimoi.com.vn/vn/18/111772/ http://www.hanoimoi.com.vn/vn/18/112359/ http://www.hanoimoi.com.vn/vn/18/120001/